Về điều kiện tự nhiên
Tuần Giáo, là huyện cửa ngõ phía đông của tỉnh Điện Biên, có tổng diện tích tự nhiên trên 113 ngàn ha, gồm 19 xã, thị trấn, 237 khối bản, 9 dân tộc sinh sống với 18.115 hộ dân, hơn 80 nghìn người, nhân dân các dân tộc có truyền thống cách mạng, lao động cần cù, có tinh thần đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Địa hình huyện Tuần Giáo hiểm trở và đa dạng. Khu vực núi non của huyện chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, sườn vách sừng sững như toà thành thiên nhiên với 70% diện tích là các dãy núi cao từ 800 m trở lên, còn lại là các dãy có độ cao 500 - 700 m, độ dốc trung bình 120-200. Dãy Pú Huổi Luông (xã Nà Sáy) cao 2.179m so với mặt nước biển, dãy Pơ Mu (xã Tênh Phông) cao 1.848 m. Núi non của Tuần Giáo đã ghi nhiều dấu ấn của những trang sử hào hùng: Pú Nhung là căn cứ chống thực dân Pháp với tên tuổi của anh hùng lực lượng vũ trang Vừ A Dính, Sùng Phái Sinh, hang Thẩm Púa (xã Chiềng Sinh) là đại bản doanh của Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ trước khi chuyển vào xã Mường Phăng (huyện Điện Biên).
Vùng thung lũng hẹp Tuần Giáo chiếm 10% diện tích tự nhiên, địa hình bị chia cắt, nằm rải rác ở các xã nhưng tập trung vào 4 khu vực chính: Khu Ba ẳng, khu Búng Lao - Chiềng Sinh, khu Ba Quài - thị trấn, khu Phình Sáng - Pú Nhung. Đất ở đây màu mỡ, thích hợp cho cây trồng và vật nuôi. Đặc biệt vùng Phình Sáng - Pú Nhung, Ba ẳng và Toả Tình có khả năng thích ứng với sự sinh trưởng của hoa màu (ngô, đậu tương) và phát triển cây công nghiệp (chè, cà phê).
Vùng đồi thoải chiếm 25 - 27% diện tích toàn huyện.
Đất lâm nghiệp Tuần Giáo có 55.126,65 ha (trong đó đất có rừng tự nhiên phòng hộ 51.186,17ha; đất có rừng trồng phòng hộ 3.940,48 ha). Trong rừng có nhiều gỗ quí như (nghiến, lát, dổi, pơ mu), nhiều dược liệu, cây có dầu, cây lấy nhựa, cây ăn quả và động vật quí hiếm. Đất rừng ở đây thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp có giá trị cao (quế, hồi, trẩu, thảo quả, bông, lạc). Nhiều đồi cỏ, bãi bằng thích hợp cho phát triển chăn nuôi đại gia súc( trâu, bò, ngựa, dê) góp phần đáp ứng nhu cầu về thực phẩm và sức kéo của địa phương. Nghề trồng rừng, khai thác lâm sản từng bước được thực hiện có hiệu quả.
Hệ thống sông suối của Tuần Giáo khá dầy đặc nhưng lưu lượng và khối lượng dòng chảy không lớn. Suối Tông Ma bắt nguồn từ đèo Pha Đin (xã Toả Tình) qua Quài Nưa nhập thành suối Nậm Mu (xã Mùn Chung) hoà vào suối Nậm Mùn đổ ra sông Nậm Mức giáp Mường Chà là một trong những nhánh hữu ngạn sông Đà ở phía đông bắc Tuần Giáo. Ba con suối: bản Phủ (xã Quài Cang), Toả Tình và Tênh Phông qua Quài Tở gặp nhau ở thị trấn cùng với suối Nậm Pùa, Nậm Cô hình thành một trong những nhánh chính của thượng nguồn sông Mã. Sông suối Tuần Giáo đã tưới tiêu cho hàng ngàn héc ta lúa, màu; phục vụ sinh hoạt, là nguồn thuỷ năng dồi dào với các trạm thuỷ điện vừa và nhỏ ở thị trấn Tuần Giáo, Ta Cơn, Nậm Mức (Mường Mùn), Nậm Pay (Mùn Chung)...
Khí hậu Tuần Giáo thuộc khu vực nhiệt đới gió mùa miền Bắc Việt Nam. Mùa hè chịu ảnh hưởng của gió phơn tây nam (gió Lào) khô và nóng, không có bão lớn. Hàng năm có hai mùa rõ rệt: Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 9, mùa khô từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, nhiệt độ trung bình 18,20c, cao nhất là 36-370c, thấp nhất xuống đến 00c. Độ ẩm không khí trung bình trong năm 87%, độ ẩm thấp nhất trong năm 22%, lượng bốc hơi cả năm 514 mm. Lượng mưa phân phối không đều trong năm, mùa mưa nhiều từ tháng 5 đến tháng 7. Lượng mưa trung bình cả năm là 1.805 mm, có ngày lượng mưa lớn nhất 272 mm.
Giông là hiện tượng tương đối phổ biến ở Tuần Giáo, thường tập trung nhiều từ tháng 4 đến tháng 8, nhất là các tháng đầu mùa mưa. Mưa giông có cường độ khá lớn, là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho cây trồng. Mưa giông đầu mùa mang một lượng Amoniac và Nitơrat cung cấp nguồn phân bón cho cây trồng song mưa giông cũng có những mặt bất lợi, cường độ mưa giông lớn làm tăng độ xói mòn, sạt lở đất tại các đồi núi, cuốn trôi những lớp phù sa màu mỡ, hơn nữa trong cơn giông thường đi kèm theo lốc xoáy, có tốc độ mạnh làm đổ cây cối, nhà cửa, gây thiệt hại nặng nề cho tài sản của nhân dân trong khu vực xảy ra giông. ở Tuần Giáo sương muối xuất hiện không nhiều song đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là gây tác hại cho các loại cây nhiệt đới ưa nóng và khó khăn cho sản xuất vụ đông xuân. ở những nơi có độ cao 1.500 m tần suất xuất hiện sương muối lớn, trung bình từ 9-10 ngày/năm. ở những nơi thấp hơn, tần suất xuất hiện sương muối nhỏ, khoảng từ 1-2 ngày/ năm.
Tuần Giáo là một trong những huyện của tỉnh Điện Biên thường có nhiều ngày sương mù, trung bình từ 80 -110 ngày/năm. Sương mù ở Tuần Giáo chủ yếu là dạng sương mù bức xạ, thường xảy ra trong các tháng thu đông (từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau). Tháng có mật độ sương mù dày nhất là tháng 1 hoặc tháng 12, trung bình 10-19 ngày/tháng. Tháng có mật độ thấp nhất là tháng 5 hoặc tháng 6 (khoảng 3,5 ngày).
Thổ nhưỡng: Tuần Giáo có các loại đất chủ yếu sau: Đất pheralit vàng đỏ và đỏ vàng phát triển trên nền phiến thạch, đá vôi thuộc nhóm đá mẹ Macma a xít; đất đen là sản phẩm phong hoá của đá vôi hoặc tích đọng ở địa hình bằng, trũng, đất có độ phì, tập trung ở những xã vùng thấp của huyện. Loại đất này rất thích hợp với nhóm cây lương thực, thực phẩm, đặc biệt là ngô, đậu, đỗ...và các cây công nghiệp ngắn ngày như lạc, ngô, bông, gai...
Khoáng sản: So với toàn tỉnh, huyện Tuần Giáo có tiềm năng khoáng sản ít hơn về trữ lượng và thành phần, bao gồm chủ yếu là khoáng sản vật liệu xây dựng, khoáng kim loại, nước khoáng và nước nóng.
Về vật liệu xây dựng: Tại Tuần Giáo có một số điểm đá vôi đáp ứng cho yêu cầu sản xuất xi măng song chưa được điều tra thăm dò.
Về khoáng sản kim loại: Chủ yếu là quặng sắt và bô xít. Quặng sắt có ở Nậm Din, Đề Sấu, Háng Chua, Phàng Củ; quặng bô xít có ở Nậm Din (xã Phình Sáng). Ngoài ra còn có chì, kẽm ở Phình Sáng, Mùn Chung.
Về nước khoáng: Nhóm nước khoáng bicacbonat có ở bản Mu (xã Quài Cang); nhóm nước khoáng hỗn hợp có ở bản Sáng (xã Quài Cang); nước khoáng nóng có ở Ta Pao (xã Mường Mùn).
Hệ thống giao thông của Tuần Giáo khá thuận lợi. Đường quốc lộ số 6 ( trước là đường số 41) là trục giao thông chính của huyện đã cùng nhiều đường liên tỉnh, liên huyện nối địa phương với Sơn La - Hà Nội, thị xã Mường Lay. Quốc lộ 279 (trước là đường số 42) nối từ Tuần Giáo đi Điện Biên. Hệ thống đường dân sinh liên bản, liên xã từ trung tâm huyện đi các xã Mường Đăng, Pú Nhung, Phình Sáng... giữ một vị trí trọng yếu trong đời sống kinh tế - xã hội của Tuần Giáo. Đến hết năm 2006 đã có 17 xã có đường nhựa, 4 xã có đường cấp phối đến trung tâm. Một số tuyến đường liên huyện, liên xã được khởi công, mạng lưới giao thông của huyện phát triển mạnh.